20 May
20May

Phở vốn là một món ăn nổi tiếng của Việt Nam bởi hương vị đậm đà, quá trình chuẩn bị nguyên liệu làm phở nhiều thứ, chế biến cầu kỳ và giá trị dinh dưỡng cao. Để tạo nên được món ăn như vậy, chắc chắn không thể thiếu sự góp mặt của những nguyên liệu đa dạng và thơm ngon. 

Vậy, trong phở có những nguyên liệu gì? Nếu hỏi rằng đâu là món ăn định vị ẩm thực Việt Nam trên bản đồ thế giới thì trả lời không thể nào khác chính là “phở”. Đối với phở, chỉ cần thưởng thức qua một lần, chắc chắn du khách sẽ nhớ mãi hương vị đậm đà, ngọt thanh khó tìm được ở một món ăn nào khác. 

Phở là một món ăn có sự kết hợp hài hòa giữa các hương vị, với nguyên liệu làm phở đã có hơn 20 nguyên liệu được nấu cùng với nhau, tự hòa quyện với nhau để cho ra một món ăn đặc sắc, thơm ngon. Quá trình chế biến phở cũng rất công phu, ngay từ khâu lựa chọn nguyên liệu, đến khâu sơ chế, chế biến và trang trí.

I - Các nguyên liệu làm phở

1 - Nước dùng làm phở

Người Việt thường nấu nước dùng của phở bằng việc ninh xương bò từ 6-10 tiếng, trong đó bao giờ cũng phải có một cái xương đuôi bò để cho phở bò thơm, dậy mùi bò và vẫn có vị thanh ngọt. Nước ninh từ xương bò đó được lọc để lấy phần nước trong, sau đó sẽ được hòa tan và tiếp tục ninh lửa nhỏ cùng các nguyên liệu khô như thảo quả, quế, tiêu, hồi, gừng, hành tây, nước mắm,… Các nguyên liệu làm phở này giúp cho nước dùng của phở có hương vị đặc trưng, hài hòa, lột tả sự đa dạng về hương liệu phương Đông đồng thời cũng là nguồn cung cấp khoáng chất và vitamin giúp nâng cao chất lượng máu và góp phần bảo vệ thành mạch máu. 

2 - Bánh phở 

Bánh phở được làm từ bột gạo, được tráng thành những mảng mỏng rồi cắt thành sợi vừa ăn. Tùy theo từng vùng miền mà hiện nay tại Việt Nam có nhiều hình dáng sợi bánh phở khác nhau. Phở Hà Nội có bánh phở mềm, dai và trắng muốt, có mảng to và mỏng. Bánh phở Sài Gòn thì có hình dạng sợi nhỏ hơn.

3 - Thịt

Theo đúng món phở truyền thống từ xưa, thịt trong nguyên liệu làm phở chỉ thịt bò chín, có nghĩa đã được ninh trong nước dùng cùng với xương. Tuy nhiên, qua thời gian biến tấu và thay đổi, ngày nay đã có thêm món phở dạng tái. Bên cạnh đó, có nhiều địa phương đã đa dạng các loại thịt trong phở nhưng phổ biến nhất hiện nay vẫn là phở bò và phở gà. Đối với phở bò, thịt có thể bao gồm cả bắp, nạm và gân bò. Những miếng thịt mềm, mọng nước, được cắt lát mỏng xếp trên mỗi bát phở nóng hổi sẽ làm tăng sự đậm đà cho món phở truyền thống. Trong nguyên liệu làm phở với phở gà, sau khi gà được luộc chín thì vớt ra và được xé thành nhiều sợi nhỏ, thịt gà dai, mềm, bên trong không quá khô, khi cho thịt gà vào bát phở đi kèm với hành lá, rau thơm thì món phở của chúng ta sẽ chuẩn vị phở gà Việt. 

4 - Gia vị đi kèm

Để tạo được một bát phở đúng điệu, bên cạnh ba thành phần nêu trên không thể thiếu đi các gia vị đi kèm như hành lá, ngò, tỏi ngâm, nước cốt chanh, ớt, các loại tương. Đây cũng là khâu được biến tấu nhiều khi thưởng thức giữa phở Sài Gòn và phở Hà Nội. 

II - Quy trình chế biến món phở

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Ngâm xương bò trong nước có pha muối, gừng và nước cốt chanh từ 4-6 tiếng, sau đó lấy bàn chải để chải cho cả xương và thịt trắng, rửa lại với nước 2,3 lần nữa để hết mùi hôi của bò. Rang ngũ vị hương trong vòng 2 phút cho thơm, thái hành khô, gừng đập ra rồi đem đi nướng sơ qua. Sau đó cho tất cả những hương liệu trên vào túi vải.

Bước 2: Ninh nước dùng

Cho nguyên liệu làm phở là xương và thịt vào nồi nước sau đó đun sôi ở mức lửa vừa. Trong quá trình đun sẽ xuất hiện lớp váng đóng trên mặt nồi, liên tục dùng vợt vớt lớp váng này bỏ đi.

Sau khi đã vớt hết lớp váng, cho muối và túi vải chứa hương liệu đã chuẩn bị bên trên vào. Với túi hương liệu, khi thấy nước dùng đã dậy mùi thì phải vớt ra, sau đó tiếp tục cho gừng nướng vào để tạo hương thơm cho nồi nước dùng.

Khi nấu thịt khoảng 3-4 tiếng thì vớt ra, nhúng qua nước lạnh rồi treo lên cho ráo, sau đó cho nguyên liệu làm phở này vào tủ lạnh để thịt không bị đen.

Bước 3: Nêm gia vị và thưởng thức

Sau khi đã ninh xương từ 4-6 tiếng để có được vị ngọt từ tủy, thì nêm gia vị vừa ăn. Chan nước dùng vào bánh phở thêm rau hành đã chần qua, khi ăn có thể thưởng thức kèm với quẩy. 

Có thể bạn quan tâm: Các món phở, phở gà, phở bao nhiêu calo, phở Hà Nội

Chính sự công phu, đa dạng về hương vị trong món phở truyền thống đã giúp món phở trở thành một trong những món ăn nổi tiếng không chỉ tại Việt Nam mà còn được các thông tấn thế giới khen ngợi và quảng bá để rồi khi nhớ đến nước Việt hình chữ S, ai ai cũng sẽ nghĩ đến hương vị ngọt thanh, đậm đà của món phở Việt.

Comments
* The email will not be published on the website.
I BUILT MY SITE FOR FREE USING